18/04/2021

THỜI CƠ - THÁCH THỨC PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT LIÊN VẬN QUỐC TẾ

 

Theo ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc VNR, kế hoạch mở tàu hàng liên vận sang châu Âu đã có ý tưởng từ nhiều năm; trong đó đã có đơn vị thuộc Tổng công ty thực hiện vận chuyển liên vận từ năm 2016. Tuy nhiên kế hoạch này càng được đẩy mạnh trong bối cảnh sản lượng vận chuyển hành khách năm nay dự kiến sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và dự án sửa chữa kết cấu đường sắt trên toàn tuyến Bắc - Nam.

 

(Tàu Liên vận)          
 


Cũng theo ông Phan Quốc Anh, để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng dịch, một trong những giải pháp mà Tổng công ty đưa ra là nâng cao khai thác các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế. Đây là thời điểm tàu chở hàng thể hiện thế mạnh nổi bật so với các loại hình vận tải khác. Chẳng hạn một tàu chở container lạnh hàng tươi sống từ phía Nam đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) có thể chở 20 container, có giá cước thấp hơn đường bộ 20% và xong thủ tục thông quan tối đa trong 5 ngày. Nếu so với vận tải đường bộ đang bị dồn ứ tại cửa khẩu thì đường sắt có lợi thế hơn hẳn.
 
Ông Phan Quốc Anh chia sẻ thêm, tàu chở hàng có thể làm thủ tục thông quan rất nhanh, do việc phòng dịch, kiểm dịch cho lái tàu, nhân lực đi kèm đơn giản hơn so với đường bộ, nguy cơ lây nhiễm dịch thấp hơn. Hiện đường sắt đang là giải pháp tối ưu cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
 
“Để ngành đường sắt thực sự phát huy được thế mạnh, kể cả khi đã hết dịch bệnh và các chuyến tàu khách được khôi phục trở lại, việc đầu tư nâng cấp chất lượng toa xe để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đầu tư năng lực bốc xếp tại ga và nâng cao năng lực quản trị là điều cần đặc biệt quan tâm. Hiện ngành đường sắt đã và đang đóng mới khoảng 300 toa xe chở container để tăng cường vận chuyển hàng hóa”, ông Phan Quốc Anh nhận định.
 
Là một trong các đơn vị chủ lực vận chuyển cả hàng hóa và hành khách của VNR, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) cho biết, doanh nghiệp rất quan tâm mô hình vận chuyển liên vận quốc tế vì đây là hình thức vận chuyển tiên tiến. Hiện có nhiều mặt hàng đang vận chuyển liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc; trong đó hàng nhập có sản lượng lớn như: than cốc về Xuân Giao phục vụ cho Nhà máy thép Việt Trung khoảng 200-250 nghìn tấn/năm; phân bón khoảng 250-300 nghìn tấn/năm; hàng xuất có hóa chất khoảng 250-300 nghìn tấn/năm. Hiện công ty đang tích cực tìm nguồn hàng và đẩy mạnh vận tải container.
 
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Hoan thừa nhận, khó khăn lớn nhất là phần lớn các kho hàng tổng hợp đã xuống cấp, không có kho nào đạt tiêu chuẩn để lưu trữ, bảo quản các mặt hàng tươi sống, hàng hóa có giá trị cao.
 
Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm vận chuyển container bằng đường sắt, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) chia sẻ, ngay từ năm 2016, Ratraco đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp vận chuyển container đường sắt Trung Quốc.
 
Ông Nguyễn Hoàng Thanh nhận định các hiệp định thương mại được ký kết song phương hoặc đa phương có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho kinh doanh vận tải; trong đó có đường sắt khi hàng hóa lưu thông giữa các nước tăng cao. Đặc biệt, giao lưu thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh. Các mặt hàng như thủy hải sản, hoa quả… từ Việt Nam và các nước ASEAN đưa vào thị trường Trung Quốc đều cần vận chuyển bằng container, bao gồm container đông lạnh.
 
Theo  phân tích của ông Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia giao thông, trong vận chuyển liên vận quốc tế, đường sắt có thể vận tải khối lượng lớn, đi xa và mức độ an toàn hàng hóa khá cao so với nhiều loại hình phương tiện khác. Ngoài ra, với vận chuyển bằng đường sắt, lịch trình luôn có trước và được ấn định rõ ràng để chủ hàng hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo và lên lịch vận chuyển phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mỗi bên.
 
Còn theo một chuyên gia trong ngành đường sắt, tuyến liên vận này thành công hay không phụ thuộc vào giá cước và thời gian chuyên chở. Thời gian chuyên chở chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3 các phương tiện vận tải khác. Nay nếu cả thuế và cước giảm, chắc chắn sẽ thu hút khách hàng.
 
Để nhanh chóng kết nối, phát triển mạnh tuyến liên vận này, theo Phó Tổng giám đốc VNR Phan Quốc Anh, hiện đường sắt Việt Nam đang làm việc với  các nước liên quan để thống nhất các giải pháp kỹ thuật kết nối, thông tin, giá cước, biểu phí dịch vụ, từ đó đưa ra sản phẩm chung để công bố đến các khách hàng.
 
Tuy nhiên, ông Phan Quốc Anh nhấn mạnh, vấn đề hiện nay là phải có nguồn hàng để bảo đảm tuyến vận hành thường xuyên. Đường sắt Việt Nam cũng đang tích cực tìm các nguồn hàng như phụ tùng ô tô, hàng điện tử, hàng thực phẩm tươi sống…
 
Theo VNR, các nước đối tác đã có nhiều lần làm việc với Tổng công ty và đều có cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến liên vận này phải triển. Cụ thể như đại diện Đường sắt quốc gia Kazakhstan cho biết sẽ cam kết sẽ hỗ trợ đường sắt, doanh nghiệp Việt Nam như: Cung cấp kho, bãi tại Kazakhstan, phối hợp tìm khách hàng, đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam để bán, vận chuyển hàng hóa sang Kazakhstan cũng như qua Kazakhstan đi các nước khác.
 
Tuy nhiên, bên cạnh chính sách giá, hiện đường sắt Việt Nam còn những khó khăn về năng lực, thiết bị. Ông Quốc Anh cho biết, đường sắt Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực trong  logistics, thiếu container để vận chuyển liên vận. Về hạ tầng, hàng liên vận theo tuyến này có thể đi từ nội địa Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc theo 2 hướng: Yên Viên - Đồng Đăng và sang Bằng Tường; Yên Viên - Lào Cai sang Hà Khẩu.
 
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Ratraco thông tin, hiện Ratraco đang chuyên chở hàng hóa từ Việt Nam tới các nước thứ ba như: Mông Cổ, Kazakhstan, Uzabekistan, Nga, Tajistan, Ba Lan, Đức, Anh… Đặc biệt, cùng các hoạt động vận tải, Ratraco cung cấp dịch vụ khai báo hải quan, kiểm dịch… cho hàng hóa xuất nhập khẩu trên các đoàn tàu liên vận quốc tế. Các loại hàng hóa đang Ratraco đang vận chuyển gồm: điện tử, hàng dệt may, giày da, hóa mỹ phẩm và hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây…
 
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển liên vận, Ratraco đã đầu tư và nâng cấp những toa xe chuyên dụng, chẳng hạn như: 170 toa xe P chuyên chở xăng dầu, các loại hàng hóa chất lỏng, 150 toa xe Mc chuyên chở các loại container, 15 toa xe Mcc chuyên chở container lạnh, 50 toa xe H thành cao mở nóc chuyên chở các loại hàng linh kiện, container, 20 toa xe NR chuyên chở ô tô…
 
Các chuyên gia đường sắt nhìn nhận, nếu tham gia vào liên vận đường sắt quốc tế, một mặt đường sắt Việt Nam sẽ kéo dài thị trường vận tải nội địa ra thị trường quốc tế và ngược lại đón luồng hàng từ các nước đến Việt Nam, đặc biệt là cơ hội tiếp cận những kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý điều hành tiên tiến từ nước ngoài.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia đường sắt cho rằng, thực tế là các năng lực hiện tại của ngành đường sắt chưa thể đáp ứng được khối lượng vận chuyển liên vận quốc tế ngày càng tăng trong các năm sắp tới nếu không có sự đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng cũng như về phương tiện. Chất lượng vận tải liên vận quốc tế cũng là một vấn đề ngành đường sắt cần phải quan tâm.

(Nguồn: Baotintuc.vn)

VIDEO CLIP