09/07/2024

BÁO THANH NIÊN: Tăng tốc du lịch tàu hỏa

Để khám phá hết vẻ đẹp của VN và trải nghiệm cuộc sống thi vị, có lẽ không gì tuyệt vời hơn một chuyến tàu dọc theo chiều dài đất nước. Những toa tàu 5 sao mới đưa vào vận hành, những dự án đường sắt liên tỉnh đang được thúc đẩy triển khai dần vẽ nên hành trình xuyên Việt bằng tàu hỏa tiện nghi, sạch đẹp.


 

Nối đường sắt cao tốc từ cực Bắc tới cực Nam

Bộ GTVT vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí vốn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2024 để chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo bộ này, việc chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt này cần thiết và cấp bách. Tuyên bố chung VN - Trung Quốc trong chuyến thăm VN của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12 - 13.12.2023 đã nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và Con đường giữa VN - Trung Quốc. Đồng thời, thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới VN - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Du khách đi tàu Hành trình di sản miền Trung _ảnh Ngọc Năm (3).jpg

Du khách đi tàu Hành trình di sản miền Trung

NGỌC NĂM

Cùng với đó, Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng có định hướng đến năm 2030 phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn...)

Mới nhất, Kết luận số 72 ngày 23.2 của Bộ Chính trị cũng khẳng định ưu tiên nguồn lực đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Từ những yêu cầu trên, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2024 để kịp thời triển khai ngay các thủ tục nghiên cứu cho phép đầu tư dự án.

Trước đó, liên danh tư vấn Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT và Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã trình Cục Đường sắt VN báo cáo giữa kỳ quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Cụ thể, tuyến có điểm đầu là ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc), điểm cuối là ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép - Hạ Long) và các đoạn tuyến đi qua 10 tỉnh, TP gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc NinhHưng YênHải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đặc biệt, để đảm bảo cạnh tranh với tuyến cao tốc đường bộ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tổ tư vấn đề xuất vận tốc thiết kế ban đầu là 160 km/giờ, tương lai có thể nâng lên 200 km/giờ để thời gian di chuyển của tuyến đường sắt mới rút ngắn hơn so với đường bộ, chỉ còn 4 - 5 giờ.

Đoàn tàu chất lượng cao (chặng Sài Gòn - Đà Nẵng)_ ảnh Nguyễn Anh (2).jpg

Trong khi tuyến đường sắt nối từ Quảng Ninh tới Lào Cai đang rục rịch xúc tiến thì người dân khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam đang hào hứng chia sẻ thông tin về tuyến tàu cao tốc Bắc - Nam với trào lưu: "Sáng cơm tấm Sài Gòn, chiều cà phê trứng Hà Nội"; "Sáng cơm tấm Sài Gòn, chiều bánh đậu xanh Hải Dương"… Theo kịch bản đang được Bộ GTVT nghiên cứu, nếu được thông qua tốc độ thiết kế 350 km/giờ thì thời gian tàu cao tốc từ TP.HCM đi Hà Nội quãng đường dài 1.730 km chỉ mất gần 5 giờ, thêm hơn 2 giờ để đi đến Hải Dương và khoảng 2 - 3 giờ là có thể nối tiếp đoạn đường sắt đến tận biên giới Lào Cai.

Hướng miền Nam, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ cũng đang được doanh nghiệp (DN) cùng các địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ với phương án tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng. Sau khi hoàn thành, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM chỉ mất 75 - 80 phút. Trên khắp cả nước, từng đoạn, tuyến đường sắt cao tốc đang được kết nối với mục tiêu tàu đi từ cực Bắc tới cực Nam Tổ quốc với thời gian chưa tới 15 giờ.

Đoàn tàu chất lượng cao (chặng Sài Gòn - Đà Nẵng)_ ảnh Nguyễn Anh (8).jpg

Đoàn tàu chất lượng cao (chặng Sài Gòn - Đà Nẵng)

NGUYỄN ANH

Hành trình trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc

Theo các chuyên gia, để phát triển hàng hóa thì đường sắt, đường thủy phải đi đầu bởi đây là phương thức vận chuyển khối lượng lớn, chi phí rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ và hàng không… Đầu tư cho đường sắt, giải tỏa giao thông, khơi thông hàng hóa để kích hoạt kinh tế là việc cấp bách phải làm đối với các đầu mối kinh tế lớn như TP.HCM hay Hà Nội. Hơn thế, đường sắt đang được kỳ vọng trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của VN.

Thời gian qua, ngành đường sắt đã phối hợp với các đơn vị du lịch khai thác đoàn tàu 5 sao SE19/20 Hà Nội - Đà Nẵng, tàu SE21/22 chặng Sài Gòn - Đà Nẵng và nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Mới đây nhất, kênh YouTube với 50.000 lượt theo dõi của cặp đôi du khách Eric và Sarah đến từ Canada đã lan tỏa câu chuyện hành trình 17 giờ đi tàu hỏa sang trọng từ Đà Nẵng đến Hà Nội, thay vì chọn đi máy bay chỉ mất hơn 1 giờ. Đặt khoang giường nằm hạng VIP dành cho 2 người, giá 6,6 triệu đồng/đêm, cặp đôi Canada cho biết hoàn toàn xứng đáng với những trải nghiệm tuyệt vời trên khoang tàu được thiết kế đẹp mắt, nội thất tiện nghi và được bài trí khoa học, gọn gàng; đồ ăn ngon, sạch sẽ và giá vừa phải.

Du khách đi tàu Hành trình di sản miền Trung _ảnh Ngọc Năm (4).jpg

Du khách đi tàu Kết nối di sản miền Trung

NGỌC NĂM

"Tôi thích cách họ sắp xếp căn phòng này, cả bức tranh treo tường đầy tinh tế có in hình ảnh làng quê VN… Hãy nhìn xem, chúng ta vừa đi qua những cánh đồng lúa và một số thị trấn nhỏ. Tôi còn thấy vài con trâu trên đường", Sarah tỏ ra bất ngờ và thích thú khi nhìn thấy khung cảnh xanh mát tuyệt đẹp ở phía ngoài ô cửa.

Sau khi các đoàn tàu 5 sao được đưa vào phục vụ thành công, thu hút sự quan tâm của du khách, ngành đường sắt tiếp tục đa dạng hóa nhiều loại hình dịch vụ như khai trương đoàn tàu Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi "Kết nối di sản miền Trung", theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch. Cung đường sắt Huế - Đà Nẵng từ lâu đã quen thuộc với người dân hai tỉnh thành nhưng chuyến tàu hỏa "Kết nối di sản miền Trung" vừa đưa vào hoạt động vẫn thu hút đông đảo người địa phương trải nghiệm. 

Hay chuyến tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát với tên gọi "Hành trình đêm Đà Lạt" dài 6,7 km cũng nhanh chóng trở thành điểm hút khách mới của TP sương mù. Với hành trình chạy tàu khoảng 1 tiếng (30 phút chiều đi và 30 phút chiều về) và tốc độ chạy tàu chậm, nếu ban ngày, du khách có thể thư giãn ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt; vào ban đêm, vẻ đẹp của Đà Lạt lại vô cùng huyền ảo, khác lạ.

Tàu di sản đêm Đà Lạt

LÂM VIÊN

Nguồn: BÁO THANH NIÊN

 

VIDEO CLIP