24/05/2024

BÁO PHÁP LUẬT: Bất ngờ khi bán hàng Việt sang Trung Quốc bằng đường sắt

(PLO)- Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang hướng đến phương án xuất khẩu bằng đường sắt bởi các lợi thế về chi phí rẻ hơn, thời gian xuất khẩu nhanh hơn và tính ổn định cao hơn so với đường bộ.


 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản, trái cây Việt Nam. Con đường xuất khẩu chủ yếu là vận tải đường bộ. Đây cũng là phương án vận tải truyền thống và tối ưu nhất đối với xuất khẩu nông sản của ta trong suốt thời gian qua.

 

Thế nhưng trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang hướng đến một phương thức vận tải mới, đó là xuất khẩu nông sản, hàng hoá sang Trung Quốc bằng đường sắt. Sự chuyển hướng này cũng bắt nguồn từ việc những năm qua, ngành đường sắt Việt Nam liên tục cải thiện, nâng cấp, đầu tư, đưa vào vận hành những tuyến tàu liên vận quốc tế.

 

Thêm nhiều tuyến tàu liên vận quốc tế

 

Vào đầu tháng 5 vừa qua ngành đường sắt đã cho ra mắt tuyến tàu liên vận xuất phát từ ga Cao Xá (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) để xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Chuyến tàu hàng hóa đầu tiên xuất phát từ Ga Cao Xá (Hải Dương) tham gia hành trình liên vận quốc tế. Ảnh: CMSC

 

Trước ga Cao Xá, từ đầu năm 2023, ga đường sắt liên vận quốc tế Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã được đưa vào khai thác. Trong đó, phương án khai thác giai đoạn 1 của ga này là lập tàu liên vận quốc tế bình quân 1,5-2 đôi/ngày tuyến Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn)- Bằng Tường (Trung Quốc).

 

Vào tháng 6-2023, 56 tấn vải thiều tươi đầu tiên của tỉnh Bắc Giang khởi hành từ ga Kép để xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo Sở Công Thương Bắc Giang, khi đi vào hoạt động, ga Kép sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc luân chuyển, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu sang Trung Quốc và quá cảnh Trung Quốc đi các nước thứ ba như: Nga, Mông Cổ, Kazakhstan và Châu Âu...

 

Đối với khu vực phía Nam, từ tháng 9 năm 2023, tại ga Sóng Thần (Bình Dương) - ga đường sắt lớn nhất miền Nam có chuyến hàng nông sản đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Lộ trình của chuyến đi là hàng hóa từ ga Sóng Thần đến ga Yên Viên (Hà Nội). Từ ga Yên Viên, lô hàng tiếp tục được vận chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước.

 

Thuận lợi hơn, chi phí rẻ hơn so với đường bộ

 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều công ty cho biết họ khá bất ngờ về tính hiệu quả khi bán hàng sang Trung Quốc bằng đường sắt. Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết: “Chúng tôi đang thuyết phục bạn hàng Trung Quốc chuyển sang xuất khẩu thanh long bằng đường sắt. Lý do là hiện nay, việc xuất khẩu bằng đường sắt đã có nhiều cải thiện theo hướng thuận lợi và chi phí cũng rẻ hơn so với đường bộ. Quan trọng nhất là tính ổn định cao hơn”.

 

Theo ông Trịnh, tính ổn định cao hơn ở đây chính là việc giá cả xuất khẩu bằng đường sắt thường ổn định hơn, không bị lên xuống bất ngờ. Thời gian vận chuyển của đường sắt cũng nhanh hơn so với đường bộ. Bởi có thể khi vận chuyển trong nội địa, vận tải đường bộ đi nhanh hơn nhưng đến cửa khẩu phải tốn nhiều thời gian chờ làm thủ tục thông quan, nhất là khi cửa khẩu xảy ra ùn tắc. Trong khi đó vận chuyển bằng đường sắt thì khâu thông quan diễn ra rất nhanh.

 

“Chi phí vận chuyển bằng đường sắt sang Trung Quốc rẻ hơn so với đường bộ từ 10-15%, con số này không nhiều, nhưng có ưu thế rõ rệt là tính ổn định cao hơn. Tuy nhiên do đối tác Trung Quốc của chúng tôi chưa sử dụng bao giờ nên vẫn còn lúng túng, cần thêm thời gian thuyết phục” - ông Trịnh chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp vận tải Ratraco, cũng cho hay công ty đang nhận chở hàng hoá, nông sản cho nhiều DN Trung Quốc. Các hàng hoá này đều xuất khẩu theo hình thức chính ngạch. Trong số đó, có nhiều DN đặt tàu đều là những DN lớn, mỗi lần đặt đều yêu cầu từ 10-20 container chở nông sản, trái cây như thanh long, sầu riêng.

 

“Đa số những DN lớn của Trung Quốc đều chọn phương án vận chuyển bằng đường sắt. Còn DN Việt Nam, một phần vì chỉ quen đường bộ, phần khác họ là người bán tại vườn nên không chủ động được việc lựa chọn phương tiện nào nên lượng xuất khẩu qua đường sắt còn hạn chế” - ông Toàn cho hay.

 

Nghiên cứu công nghệ về container lạnh trên tàu

 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá đường sắt cũng là một phương án lựa chọn, giúp hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước đa dạng hơn, nhất là khi xảy ra ùn tắc trên biên giới. Tuy nhiên, lo ngại việc hàng hoá phải bốc dỡ, chuyển tải nhiều lần sẽ bị hư hại và số lượng container lạnh của đường sắt còn hạn chế.

 

“Ví dụ với đường bộ, xe chở rau quả đang đi giữa đường mà máy lạnh có trục trặc gì còn dừng lại sửa ngay được, còn đường sắt chạy liên tục, không thể dừng giữa đường để sửa chữa, như thế hàng hoá sẽ hỏng” - ông Nguyên băn khoăn.

 

 

Cứ vào cuối năm, tại khu vực cửa khẩu biên giới phía bắc lại diễn ra cảnh xe container xếp hàng dài chờ thông quan. Ảnh chụp năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh

 

Đáp lại những băn khoăn của DN, ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp vận tải Ratraco, thông tin hiện Ratraco đã có đội container lạnh phục vụ vận chuyển nông sản, trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đơn cử với khu vực phía Nam, các container sẽ được kéo về tận vựa trái cây, nông sản ở miền Tây để nhận hàng.

 

Sau đó, những container này được kéo về ga Sóng Thần rồi cẩu lên tàu, tàu chạy một mạch sang Trung Quốc mà không cần chuyển tải. Người mua Trung Quốc cũng nhận hàng rất tiện. Ví dụ thay vì phải chạy lên cửa khẩu xa xôi mới nhận được hàng thì họ nhận hàng ngay ở ga đường sắt Bằng Tường, nằm trong trung tâm thành phố Bằng Tường, hoặc tiện ga đường sắt nào thì nhận hàng ở ga đường sắt đó.

 

Thông tin về thời gian và chi phí vận chuyển, Đại diện của Ratraco cho hay: “Chi phí xuất khẩu bằng đường sắt sẽ nhanh hơn. Thời gian xuất khẩu nhanh hơn. Một đoàn tàu chạy từ Bình Dương - Việt Nam sang Trung Quốc, tính cả thời gian thông quan và giao hàng hết khoảng 6 ngày. Còn đường bộ đi nội địa từ miền Tây ra Lạng Sơn nhanh hơn nhưng thời gian xếp hàng kiểm dịch chờ thông quan lâu hơn. Nếu xuất khẩu từ phía bắc, tuyến Hà Nội - Nam Ninh chạy hàng ngày, thời gian chạy rất nhanh chỉ 13 giờ”.

 

Về vấn đề container lạnh, hiện cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã đầu tư các container lạnh tự hành. Đây là container lạnh chuyên dụng cho đường sắt, dù tách rời tàu vẫn tự hoạt động bình thường. Các container lạnh này khác với container lạnh trên các phương tiện vận tải đường bộ phải gắn liền xe, container nằm đâu thì xe phải nằm đó, dính liền với nhau.

 

Ngoài những thuận lợi kể trên, việc xuất khẩu bằng đường sắt vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp vận tải Ratraco cho hay hiện các DN xuất khẩu nông sản vẫn còn e ngại vì đặc thù trong quá trình vận chuyển phải dùng container lạnh, mà hiện số lượng container lạnh chuyên dụng cho đường sắt chưa dồi dào.

 

Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettelpost), cho biết đơn vị đang hợp tác với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, chiếm 75% năng lực đường sắt Bắc-Nam, khai thác tuyến liên vận Việt Nam - Trung Quốc mục tiêu 4.000 - 5.000 container/tháng.

 

Dự báo được nhu cầu cao về xuất khẩu nông sản, trái cây qua đường sắt trong thời gian tới, hiện công ty này đang nghiên cứu công nghệ về container lạnh trên tàu hoả, đồng thời xây dựng hệ thống tổng kho ở Nam Ninh (Trung Quốc) để thuận tiện cho xuất nhập khẩu, phân phối hàng hoá ở Trung Quốc.

 

Cùng với đó, công ty đã làm việc với trung tâm kiểm dịch được uỷ quyền của Trung Quốc tại Việt Nam để kiểm dịch hàng hóa tại nguồn. Hàng hoá đã được kiểm dịch, được kẹp chì thì khi sang Trung Quốc chỉ cần nhập khẩu.

 

“Qua khảo sát các DN trái cây, các DN rất mong chờ có giải pháp mới. Vì họ rất đau đầu với việc hàng hóa sang Trung Quốc bị ách tắc, đội chi phí nhiều” - ông Sơn nói.

Nguồn: BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM

 

 

VIDEO CLIP